IMF: Bitcoin đã trở thành công cụ tài chính cần thiết để bảo toàn tài sản trong bối cảnh tài chính bất ổn

Theo báo cáo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Bitcoin đang ngày càng đóng vai trò là một kênh quan trọng của dòng vốn tài chính xuyên biên giới trong bối cảnh bất ổn tài chính toàn cầu.

Báo cáo, với tên gọi – “Bản tóm tắt về dòng vốn xuyên biên giới của Bitcoin (A Primer on Bitcoin Cross-Border Flows)”, làm sáng tỏ bản chất phi tập trung của Bitcoin đang được nhà đầu tư tận dụng để vượt qua các hệ thống ngân hàng truyền thống, đặc biệt là ở các khu vực gặp khó khăn về kinh tế hoặc kiểm soát vốn nghiêm ngặt.

Công cụ tài chính cần thiết

Theo IMF, cư dân của các quốc gia có quy định tài chính hạn chế đang chuyển sang Bitcoin để di chuyển vốn xuyên biên giới một cách tự do hơn.

Báo cáo nhấn mạnh khối lượng giao dịch lớn có nguồn gốc từ các quốc gia như Argentina và Venezuela, nơi người dân phải đối mặt với siêu lạm phát và kiểm soát tài chính nghiêm ngặt.

 

 

Ở những khu vực này, Bitcoin đã trở thành công cụ tài chính cần thiết để bảo toàn tài sản và tiếp cận thị trường toàn cầu, thay vì chỉ là một khoản đầu tư đầu cơ.

Một trong những tác giả của báo cáo, Eugenio Cerutti, đã viết:

“Giao dịch Bitcoin là cách mà người dân ở những quốc gia có lạm phát cao sử dụng như một cách để tiết kiệm tiền và tham gia vào thương mại toàn cầu, điều không thể thực hiện được thông qua đồng nội tệ của họ”.

Tuy nhiên, báo cáo của IMF cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng rộng rãi Bitcoin trong việc chuyển tiền xuyên biên giới.

Việc thiếu sự giám sát và tính ẩn danh do tiền điện tử mang lại có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc giám sát, kiểm soát các giao dịch tài chính, nhằm ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền.

Khối lượng giao dịch on-chain

Nghiên cứu đã xem xét cả dữ liệu giao dịch on-chain và off-chain để khám phá các xu hướng đằng sau việc sử dụng Bitcoin cho các giao dịch xuyên biên giới. Nó phát hiện ra rằng, các giao dịch Bitcoin không chỉ có khối lượng lớn mà còn thể hiện những đặc điểm độc đáo so với dòng vốn truyền thống.

Không giống như các khoản đầu tư nước ngoài thông thường, vốn nhạy cảm với các chỉ số kinh tế như sức mạnh tiền tệ, dòng vốn Bitcoin cho thấy mối tương quan cao hơn với tâm lý của không gian tiền điện tử, chẳng hạn như biến động thị trường và chỉ số tâm lý người dùng, như Chỉ số Tham lam và Sợ hãi.

Phân tích cũng chỉ ra rằng, các giao dịch Bitcoin on-chain, được ghi lại trên blockchain và mang lại tính bảo mật cao hơn, có xu hướng lớn hơn các giao dịch off-chain. Điều này cho thấy các tính năng bảo mật mạnh mẽ của công nghệ blockchain thường bảo vệ các khoản tài chính lớn hơn.

IMF kêu gọi hợp tác quốc tế và các khung pháp lý nên bao gồm khía cạnh độc đáo của tài sản kỹ thuật số. Các biện pháp như vậy sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, đồng thời khai thác lợi ích của tiền kỹ thuật số, đặc biệt là công cụ mang lại tự do kinh tế ở các quốc gia có môi trường tài chính hạn chế.

Theo CryptoSlate

Theo tapchibitcoin